Mười bảy năm,êndòngsôngThịVảgame đá banh thời gian không hẳn là dài nhưng cũng đủ để biến một nơi không phải là quê hương trở nên gắn bó. Thật kỳ lạ, mỗi khi ai đó hỏi tôi về thị xã Phú Mỹ nơi mình đang sống, tôi lại nghĩ ngay đến một dòng sông, dòng sông mang tên Thị Vải.
Không biết ai đã đặt tên này cho dòng sông, chỉ biết dòng sông chảy gần khu núi và cũng như nhiều địa danh khác ở Bà Rịa-Vũng Tàu mang tên người nữ như Bà Rịa, Bà Tô... Núi kia mang tên Thị Vải và dòng sông lại được chung tên. Sông Thị Vải không dài, nếu tính từ điểm đầu tại xã Long An (H.Long Thành, Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ rồi hợp lưu với sông Gò Gia thành sông Cái Mép, đổ ra vịnh Gành Rái chưa đầy tám mươi cây số. Bởi vậy không thể so sánh Thị Vải với sông Hồng, Đồng Nai hay Cửu Long về độ dài cũng như lưu lượng. Nhưng nếu ví các dòng sông kia là những dòng sông mẹ thì Thị Vải xuân thì con gái mang trên mình sứ mệnh lớn lao: Góp phần đưa chúng ta giao thương ra thế giới.
Hồi mới về đây sinh sống, tôi trọ ở Phước Hòa, một xã nằm ở hạ lưu sông Thị Vải. Lúc đó, bên dòng Thị Vải đã có vài khu công nghiệp (KCN) như Gò Dầu, Mỹ Xuân A, Phú Mỹ 1... nhưng vùng hạ lưu còn chưa khai thác. Trên dòng sông này vẫn còn nhiều người sống bằng nghề kéo lưới, thả rập.
Nhớ hồi đó, có đôi lần tôi theo chú ba Luôn ra sông thả lưới ban đêm. Từ bến đậu, chiếc ghe máy nổ phành phạch theo con rạch len lỏi qua rừng đước mà tiến ra sông. Sau khi thả hết mớ lưới, chú ba sẽ cho ghe tấp vào một vị trí nước "đứng", tắt máy và chờ thu lưới. Trong lúc chờ, tôi được nghe chú kể nhiều câu chuyện liên quan đến sông Thị Vải. Đó có thể là câu chuyện về tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập ngư dân hay kỳ bí hơn là những lần gặp "ma" khiến máy ghe không nổ, lạc trong rừng đước không tìm được lối ra. Tôi còn được biết, trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với sông Lòng Tàu thì sông Thị Vải này là nơi ghi dấu hoạt động của những người lính đặc công thủy rừng Sác. Trên dòng sông này đã từng diễn ra nhiều trận đánh, góp phần làm nên bản hùng ca chiến thắng của dân tộc.
Rồi tôi cũng nhiều lần dời nhà, thay đổi công việc nhưng dường như duyên nợ chưa rời để rồi lại gắn kết với dòng sông.
Năm 2007, cảng quốc tế SP-PSA, cảng nước sâu đầu tiên của VN được khởi công bên dòng Thị Vải. Và đến năm 2009, cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép cũng được khởi công để biến nơi đây thành cụm cảng cửa ngõ cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Bây giờ nhìn lại, trên dòng sông Thị Vải là một hệ thống cảng biển liên hoàn, góp phần cho việc hình thành nhiều KCN mới như Phú Mỹ 2, Cái Mép... và đặc biệt là KCN Phú Mỹ 3, KCN chuyên sâu đầu tiên của nước ta được xây dựng dựa trên hợp tác của hai chính phủ VN và Nhật Bản. Chỉ chừng đó thôi cũng thấy sự quan trọng của dòng sông Thị Vải đối với sự phát triển kinh tế của thị xã Phú Mỹ nói riêng, Bà Rịa-Vũng Tàu và cả nước nói chung.